Sản xuất Người_phán_xử_(phim_truyền_hình_Việt_Nam)

Kịch bản của Israel thoải mái hơn, cho nên khi Việt hóa chúng tôi đã giảm cảnh bạo lực rất nhiều. [...] Phim truyền hình cho nên chúng tôi tiết chế vừa phải, làm sao vẫn giữ liều lượng nhưng phải đạt hiệu quả nghệ thuật. [...] Đây là phim mà trung tâm là ông trùm xã hội, không phải công an như thường thấy ở trong loạt phim hình sự trước kia. [...] Trong quá trình triển khai kịch bản, chúng tôi có đọc lại tư liệu báo chí và bồi đắp lên nhân vật Phan Quân đầy đủ hơn.
[...] Việc một bộ phim có những phân cảnh khai thác câu chuyện nhóm giang hồ, nhân vật xấu phải bộc lộ mức độ phạm tội để luật pháp trừng trị thì đương nhiên, [vì vậy] phim cần có một số cảnh mô tả cần thiết, có những cách xử lý khác biệt mới tạo nên tính thuyết phục. Tất nhiên phải hợp lý và phù hợp, và càng phải hạn chế so với phim điện ảnh.
NSƯT Đỗ Thanh Hải - giám chế bộ phim, trả lời tại buổi họp báo ra mắt.[6]

Kế hoạch sản xuất và thực hiện bộ phim đã diễn ra từ hai năm trước thời điểm phát sóng.[7] Người phán xử được coi là bộ phim về tâm lý tội phạm đầu tiên tại Việt Nam.[8] Phim cũng đánh dấu sự trở lại của NSND Hoàng Dũng sau một thời gian vắng bóng trên màn ảnh.[9][10]

Theo VFC, bộ phim mất một năm để xử lí kịch bản và được Việt hóa đến 50% nội dung,[11][12] trong đó phần lớn lời thoại, cách nói và suy nghĩ của các nhân vật được điều chỉnh và viết lại; các cảnh bạo lực cũng được cắt giảm xuống hạn chế nhất có thể để phù hợp với thuần phong mỹ tục người Việt​.[13] Diễn viên Đan Lê cho biết, sau khi ghi hình xong, đạo diễn còn thêm bớt, đảo dựng rất nhiều và phải khác đến 30% so với kịch bản tại trường quay.[12]

Với cốt truyện kế thừa từ bản phim gốc của Israel, Người phán xử có lối kể chuyện được cho là khác lạ so với các bộ phim khác, sẽ đôi khi khiến khán giả cảm thấy chưa quen hoặc khó theo dõi.[8] Phong cách phim thế giới ngầm cũng được đẩy lên mức tối tăm và u ám hơn nhiều so với những tác phẩm cùng thể loại trước đó.[8] Tuy nhiên, khác so với bản gốc, kịch bản phim chủ yếu tập trung đào sâu vào các mối quan hệ cùng những xung đột tâm lý giữa các nhân vật như mối quan hệ của Phan Quân với những đứa con, tình duyên vợ chồng của Phan Hải, những toan tính, ham muốn của lòng người, v.v..[6][14]

Quá trình quay phim chính của bộ phim diễn ra trong mười một tháng.[10] Bối cảnh chính của phim là căn biệt thự tại một khu resort ở Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.[15] Phần ngoại cảnh của bộ phim được thực hiện tại những nơi rừng sâu và ở các căn nhà bỏ hoang.[10] Đây cũng là bộ phim hiếm hoi tại thời điểm sử dụng công nghệ thu thanh trực tiếp diễn viên.[6] Kinh phí của bộ phim tương đương khoảng 400 triệu cho một tập,[16] trong đó có nhiều cảnh hành động với nhiều diễn viên đóng thế xuyên suốt các tập phim.[9]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Người_phán_xử_(phim_truyền_hình_Việt_Nam) http://m.cand.com.vn/Giai-tri-van-hoa/Toan-canh-Le... http://www.thiduakhenthuongvn.org.vn/van-hoa-thao/... http://vtv.vn/nguoi-phan-xu.html https://www.imdb.com/title/tt10092924/ https://vietgiaitri.com/dai-truyen-hinh-thu-bao-nh... https://ione.net/4-yeu-to-giup-nguoi-phan-xu-tro-t... https://vnexpress.net/resort-duoc-chon-lam-noi-o-c... https://vnexpress.net/tap-dau-nguoi-phan-xu-tien-t... https://web.archive.org/web/20170404060253/http://... https://web.archive.org/web/20170720154158/http://...